Dị ứng thuốc thể ban đỏ (morbilliform drug reaction hoặc maculopapular drug eruption, exanthematous drug eruption, maculopapular exanthem) là dạng hay gặp của dị ứng thuốc. Có nhiều thuốc là nguyên nhân gây dị ứng nhưng hay gặp nhất là nhóm kháng sinh. Thương tổn da trong dị ứng thuốc thể ban đỏ khá giống với phát ban do virus hoặc vi khuẩn.
Lưu ý là các thương tổn phát ban ngoài da do virus được chia thành ba nhóm là ban dạng tinh hồng nhiệt (scartlatiniform), ban dạng sởi (morbilliform),ban dạng rubella (rubelliform).
- Ban dạng tinh hồng nhiệt là các dát nhỏ, thâm nhiễm, màu hồng tới đỏ sẫm, hội tụ nhanh chóng với nhau, sờ vào thấy thô ráp như giấy nhám, hiếm khi cò vùng da lành giữa các dát, hay gặp ở các nếp gấp như nách, cổ, ít khi ngứa.
- Ban dạng rubella gồm các dát phẳng, nhỏ, màu hồng nhạt, mức độ lan rộng ít hoặc nhiều, phân biệt nhau bởi các vùng da lành, không ngứa.
- Ban dạng sởi gồm các dát đỏ có xu hướng liên kết lại với nhau, phân cách nhau bởi các vùng da lành, không ngứa. Ban dạng sởi ở người lớn thường do thuốc, ở trẻ em thường do virus.
Bệnh nhân bị dị ứng thuốc thể ban đỏ
- Nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh
Có khoảng 2% các thuốc mới được kê gây dị ứng thuốc, trong đó 95% là dị ứng thuốc thể ban đỏ. Các thuốc hay gặp là kháng sinh nhóm betalactam (penicillin, cephalosporin), sulfonamid, allopurinol, các thuốc chống động kinh, các thuống kháng viêm không steroid (NSAID). Một số sản phẩm chức năng hoặc liệu pháp thiên nhiên (natural therapy) đã được báo cáo gây dị ứng thuốc thể ban đỏ.
Các yếu tố nguy cơ gây dị ứng thuốc thể ban đỏ:
- Có tiền sử bản thân và/hoặc tiền sử gia đình bị dị ứng thuốc
- Nhiễm trùng: Epstein Barr virus (EBV-bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn), human herpes virus 6 và 7 (HHV6, HHV7)
- Suy giảm miễn dịch (bao gồm nhiễm HIV), các rối loạn tự miễn khác
- Dùng nhiều thuốc
Dị ứng thuốc thể ban đỏ có cơ chế dị ứng thông qua tế bào lympho T độc, được xếp vào phản ứng typ IV (quá mẫn chậm). Đích tấn công của cơ chế miễn dịch này là thuốc, chất chuyển hóa của thuốc hoặc các protein có gắn thuốc. Các phản ứng viêm nối tiếp giải phóng các chất trung gian hóa học gây triệu chứng lâm sàng.
Tại lần dùng thuốc đầu tiên, phản ứng dị ứng xuất hiện 1-2 tuần sau khi bắt đầu dùng thuốc, có thể kéo dài thêm một tuần khi đã ngừng thuốc. Ở lần dùng thuốc nhắc lại, thương tổn da xuất hiện trong vòng 1-3 ngày tính từ thời điểm bắt đầu dùng. Hiếm có thuốc nào gây dị ứng sau vài tháng hoặc hằng năm.
Ban đỏ thường xuất hiện đầu tiên ở thân mình, sau đó là các chi, cổ, phân bố hai bên, đối xứng. Ban đầu là các dát bằng phẳng hoặc sẩn màu hồng tới đỏ. Ngoài ra còn có một số dạng thương tổn khác nữa như hình nhẫn, dạng bia bắn, dạng mày đay, phát ban đa hình thái. Các thương tổn ấn kính mất màu, ngoại trừ các ban xuất huyết hay gặp ở hai chi dưới. Các dát, sẩn nhỏ có thể liên kết với nhau thành mảng. Các vùng nách, háng, bàn tay, bàn chân ít khi bị ảnh hưởng. Hầu như không có thương tổn niêm mạc, tóc, móng. Các triệu chứng có thể kèm theo là sốt nhẹ, ngứa. Khi bệnh cải thiện, các ban đỏ mất đi, bề mặt da bong vảy trắng nhẹ.
Trong giai đoạn đầu của dị ứng thuốc thể ban đỏ, khó phân biệt nó với các dạng dị ứng thuốc nặng như hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử thượng bì nhiễm độc (hội chứng Lyell), phát ban mụn mủ cấp tính lan tỏa (AGEF). Người bệnh nên được nhập viện để theo dõi, điều trị.
Chẩn đoán dị ứng thuốc thể ban đỏ chủ yếu dựa vào lâm sàng:
- Ban đỏ điển hình
- Tiền sử dùng thuốc nghi ngờ trong thời gian gần đây (thường trong vòng 2 tháng, hiếm khi dài hơn)
Để xác định thuốc có khả năng gây dị ứng, cần lập biều các thuốc mà người bệnh đã dùng trong 1-2 tháng, bao gồm các thực phẩm chức năng và thuốc không kê đơn, ghi chú ngày bắt đầu dùng thuốc, ngày xuất hiện triệu chứng. Sau đó, phân loại các thuốc thành hai nhóm (khả nghi, không khả nghi) dựa vào:
- Liên quan về thời gian dùng thuốc với sự xuất hiện triệu chứng
- Tính đặc hiệu của thuốc: một số thuốc được loại ra nhóm khả nghi vì hiếm khi gây dị ứng
- Tiền sử dùng thuốc cùng nhóm của người bệnh
Không có xét nghiệm thường quy nào để chẩn đoán dị ứng thốc cũng như xác định thuốc gây dị ứng. Cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh như sởi, rubella, sốt tinh hồng nhiệt, các phát ban không đặc hiệu liên quan với nhiễm trùng (bệnh Kawasaki, bệnh tổ chức liên kết, …)
Các xét nghiệm nên thực hiện:
- Công thức máu, chức năng gan, thận, protein C phản ứng
- Huyết thanh chẩn đoán các bệnh nhiễm trùng gây phát ban tương tự
- Sinh thiết da
Tăng bạch cầu ưa acid chỉ có giá trị củng cố chẩn đoán, không có giá trị chẩn đoán. Các xét nghiệm sâu hơn phụ thuộc vào đặc điểm lâm sàng, tiến triển của người bệnh, kết quả của các xét nghiệm ban đầu.
- Xác định các thuốc nghi ngờ gây dị ứng và ngừng sử dụng
- Dùng kem dưỡng ẩm hoặc steroid tại chỗ
- Đắp gạc ẩm cho các vùng da đỏ, khô, viêm
- Thuốc kháng histamin ít có tác dụng mặc được chỉ định thường xuyên
- Hạn chế sử dụng kháng sinh, lạm dụng kháng sinh
- Tư vấn cho người bệnh về các thuốc nghi ngờ gây dị ứng, không sử dụng lại
- Báo cáo về phản ứng thuốc cho cơ quan phụ trách
Nếu ngừng các thuốc nghi ngờ gây dị ứng, thương tổn da sẽ cải tiến trong vòng 48 giờ, trở về bình thường sau 1-2 tuần. Nếu tiếp tục dùng thuốc, các ban có thể tiến triển theo các hướng:
- Tự lành
- Kéo dài không thay đổi
- Tiến triển thành đỏ da toàn thân
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Dermatology. Jean L. Bolognia, Joseph Jorizzo and Ronald Rapini. 2 volume set. 2nd Edition 2007. 2432 pages. Mosby.
- Cotliar J. Approach to the patient with a suspected drug eruption. Semin. Cutan. Med. Surg. 2007; 26:147-154.
- Mays SR, Kunishige JH, Truong E, Kontoyiannis DP, Hymes SR. Approach to the morbilliform eruption in the hematopoietic transplant patient. Semin. Cutan. Med. Surg. 2007; 26:155-162.
- Yawalkar N. Drug-induced exanthems. Toxicology 2005; 209: 131–13
Bài và ảnh: Bác sỹ Trần Thị Huyền,
khoa Điều trị Bệnh da phụ nữ và trẻ em-Bệnh viện Da liễu Trung ương
Nguồn: Bệnh Viện Da Liễu Trung Ương